Ngoại Ngữ

Phương pháp nghiên cứu hành động: một giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học

     Sáng ngày18/02/2023, tại phòng B201 trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo với tiêu đề “Phương pháp nghiên cứu hành động: Một giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học”. Diễn giả chính của Hội thảo là Giáo sư, Tiến sĩ Lori Czop Assaf, Học giả Fulbright; Giảng viên trường Đại học Texas, Hoa Kỳ; Giám đốc dự án đào tạo giáo viên bang Texas, Giám đốc Dự án Phát triển kỹ năng Viết trường Đại học Texas; Chuyên gia hàng đầu về Phương pháp nghiên cứu hành động và Mô hình thay đổi tạo sinh.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Lori Czop Assaf, Diễn giả chính của Hội thảo

 

      Tham dự hội thảo gồm các giảng viên đến từ Khoa Ngoại ngữ, Khoa Quản trị Kinh Doanh, Khoa Công nghệ Thông tin, và Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải phòng. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của một số giảng viên đến từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố.

Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung cơ bản liên quan đến nghiên cứu hành động, bao gồm: nghiên cứu hành động là gì, mục đích của nghiên cứu hành động, quy trình nghiên cứu, và đặc biệt là cách thức thu thập và phân tích số liệu. Theo Giáo sư Lori Czop Assaf bản chất của nghiên cứu hành động có thể được biểu thị qua công thức đơn giản này:

Action (Change) + Research (Investigation) => Make Change Happen

 

Các thầy cô giáo tích cực tham gia thảo luận

 

Giáo sư giải thích: Nghiên cứu hành động không đơn thuần là những điều thông thường mà giáo viên làm khi họ suy nghĩ về công việc giảng dạy của học. Nó cũng không phải là kỹ năng giải quyết vấn đề; hay là nghiên cứu đối với người khác. Thực tế, nghiên cứu hành động là một quá trình thu thập minh chứng nhất quá và có tính chất hệ thống, dựa vào sự phản hồi hết sức nghiêm túc của giáo viên đối với công việc dạy học của họ. Nghiên cứu hành động lấy động lực từ mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên. Do vậy, mục đích của nghiên cứu hành động là: tìm giải pháp cho những vấn đề mà giáo viên gặp phải; phát triển bản thân thông qua việc phản hồi đối với công việc của chính mình; học hỏi từ những trải nghiệm của riêng mình và từ đó nâng cao phương pháp giảng dạy.

Quy trình thực hiện phương pháp nghiên cứu hành động có thể được khái quát trong mô hình sau:

 

(Theo Giáo sư Lori Czop Assaf)

          Sau khi một chu trình kết thúc, giáo viên có thể tiếp túc chu trình tiếp theo với mục đích giải quyết hoặc làm rõ những vấn đề chưa được giải quyết ở chu trình trước. Chu trình nghiên cứu hành động cho thấy, giáo viên sẽ bắt đầu bằng việc nhận diện vấn đề, liệt kê những thay đổi mà giáo viên mong muốn, xác định câu hỏi nghiên cứu, thu thập số liệu, xác định rõ thời gian thích hợp để thu thập số liệu. Thực tế cho thấy, để tăng tính chính xác cho số liệu thu thập, giáo viên cần dựa vào nhiều nguồn số liệu khác nhau. Sau khi phân tích số liệu và xác định kết quả thu được (những thay đổi từ người học), giáo viên cần phản hồi và đánh giá phương pháp giảng dạy của chính mình cũng như kết quả học tập của sinh viên trước khi thực hiện bước tiếp theo là viết báo cáo.

          Thực tế cho thấy phương pháp nghiên cứu hành động thực sự hữu ích trong giảng dạy ngoại ngữ. Nó thúc đẩy sự thay đổi của cả người dạy và người học. Nó đòi hỏi sự phản hồi và đánh giá công việc giảng dạy của chính các giáo viên từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Dưới góc độ của nghiên cứu hành động, một công việc giảng dạy tốt được nhìn nhận như sau:

 

(Theo Giáo sư Lori Czop Assaf)

 

          Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Liên, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng gửi lời cảm ơn chân thành đến Giáo sự và các thầy cô tham gia hội thảo. Tiến sĩ khẳng định Hội thảo đã cung cấp cho giảng viên tham dự những kiến thức hết sức thiết thực, giúp ích cho quán trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu của các giảng viên. Hy vọng, các giảng viên sẽ có thể triển khai các đề tài nghiên cứu theo phương thức hành động ngay trong học kỳ này cũng như các năm học tiếp theo, mang lại những thay đổi tích cực cho sinh viên cũng như chính các giảng viên.

 

Khoa Ngoại ngữ