Trường Đại học Dân lập Hải Phòng: Trường chuẩn quốc gia với chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế
Mục tiêu và kế hoạch phát triển trong tương lai của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng (nay là trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng) gồm những yêu cầu cao hơn thực tế phát triển của giáo dục nước nhà. Lãnh đạo nhà trường vẫn luôn tâm niệm “Phấn đấu để trở thành ngôi trường đáng để học”, “mỗi sinh viên khi ra trường phải làm được việc cho xã hội”. Một trường Dân lập đạt chuẩn quốc gia nhưng lại luôn hướng đến tiêu chí chất lượng sinh viên quốc tế và tiêu chuẩn giảng viên quốc tế... Rõ ràng với xu thế của trường dân lập hiện nay thì Trường Đại học Dân Lập Hải Phòng là một “trường lạ”!
Tháng 4/1997, Giáo sư Trần Hữu Nghị có ý tưởng xây dựng một trường Đại học Dân lập có chất lượng cao và không vì lợi nhuận tại thành phố Hải Phòng. Ý tưởng đó của Giáo sư nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Ngày 18/06/1997, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 2058/GD&ĐT công nhận Hội đồng sáng lập nhà trường do Giáo sư Trần Hữu Nghị làm Chủ tịch. Ngày 24/09/1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 792/TTg thành lập trường Đại học Dân lập Hải Phòng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ đó đến nay, trường đã phát triển thành một trường dân lập lớn mạnh ở trong nước cũng như khu vực. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo hơn 8.000 sinh viên từ 41 tỉnh thành trong cả nước. Và đã đào tạo, cung cấp cho xã hội gần 15.000 kỹ sư, cử nhân có chất lượng.
Cơ sở vật chất hiện đại vì nhu cầu sinh viên
Trường Đại học Dân lập Hải Phòng thành lập cuối năm 1997. Trong bối cảnh nhiều trường ngoài công lập lúc bấy giờ phải đi thuê mướn phòng học để tổ chức giảng dạy. Ban lãnh đạo nhà trường nhận thấy chừng nào trường chưa có được cơ sở vật chất riêng thì “danh tiếng” của một trường Đại học vẫn là xa vời. Chính vì vậy ngay khi tìm được đất xây dựng trường, nhà trường đã bắt đầu xây dựng khu giảng đường, khu lớp học 3 tầng, khu thực hành thí nghiệm, khu thư viện… Tổng số lên đến gần 100 phòng nhằm phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu. 5 năm sau, ngày 4/01/2002 nhà trường cắt băng khánh thành Khu liên hợp thể dục thể thao – Khách sạn sinh viên (bao gồm nhà tập đa chức năng, bể bơi thông minh, sân vận động, nhà ăn sinh viên, khu nội trú Khách sạn sinh viên) với tổng số tiền đầu tư gần 100 tỉ đồng. Hiện nay nhà trường đang tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng khu cơ sở II trên diện tích 12 ha đất tại Minh Tân, Kiến Thụy, Hải Phòng với vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 tỉ đồng.
“Xây dựng ưu tiên phục vụ sinh viên” là định hướng khi xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường. Các phòng học cho sinh viên được trang bị máy chiếu Projectors, Camera, điều hòa nhiệt độ, máy tính được nối mạng nội bộ, mạng Internet không dây… Thư viện nhà trường là hệ thống thư viện điện tử, được trang bị 36 máy tính tốc độ cao với trên 7970 đầu sách, 82.000 tài liệu điện tử Elib, 85.000 tài liệu điện tử Proquest.
Không chỉ vậy, hoạt động quản lý đào tạo của nhà trường cũng được xây dựng một cách khoa học. Toàn bộ các công tác như đào tạo, học tập theo tín chỉ, tuyển sinh, giảng dạy, điểm thi, tổ chức thi học kỳ, học phí và các khoản thu chi khác… đều được quản lý nghiêm túc, phân quyền chặt chẽ bằng phần mềm khoa học chuyên dụng.
Giảng viên có nghiệp vụ đạt chuẩn quốc tế
Không chỉ đầu tư đúng hướng vào cơ sở vậy chất, lãnh đạo Trường Đại học Dân lập Hải Phòng còn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ chuyên môn và có năng lực thực tế. Nhà trường đã tận dụng tối đa trình độ chuyên môn của những người đang công tác, nghiên cứu tại các trường khác, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời nhanh chóng tuyển dụng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu của trường.
Để tuyển dụng được đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ và gắn bó với trường, nhà trường đã tổ chức tuyển dụng công khai, minh bạch, có quy trình rõ ràng. Từ 1500 lượt người dự tuyển, trong gần 15 năm qua nhà trường đã tuyển chọn được 338 CB, GV, NV cơ hữu. Ngay sau khi được tuyển dụng các giảng viên trẻ được nhà trường tổ chức bồi dưỡng phương pháp sư phạm đặc thù, trình độ chuyên môn và nhiều kĩ năng khác. Tính đến nay, số giảng viên cơ hữu làm việc tại trường là 225 người trong đó có 7 Giáo sư, 8 Phó Giáo sư, 3 Tiến sĩ khoa học, 28 Tiến sĩ và 136 Thạc sĩ, 21 nghiên cứu sinh và 25 người đang học cao học đảm nhận 80% khối lượng giảng dạy.Để giảng viên tăng cường sự hiểu biết và dạy học có chất lượng cao nhà trường đã mời nhiều chuyên gia là giáo sư trong nước, giảng viên nước ngoài, đặc biệt là các học giả Fulbright đến giảng về giảng dạy. Không những vậy, để học hỏi kinh nghiệm dạy và học tốt nhà trường còn phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức các hội thảo cấp quốc gia như: Hội thảo Quốc gia lần thứ 8 “Một số vấn đề chọn lọc của Công nghệ thông tin và Truyền thông”, Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học”, Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy - học trong đào tạo theo học chế tín chỉ và xây dựng hệ thống thông tin quản lý đào tạo” do Mạng lưới các trường đại học Việt Nam, Chương trình Fulbright do chính phủ Mỹ cùng tổ chức, tài trợ.
Đại học Dân lập… đáng để học
Ghi nhận những nỗ lực xây dựng thương hiệu của trường, năm 2009 Hội đồng Giáo dục Quốc gia công nhận Trường Đại học Dân Hải Phòng là trường đạt chuẩn chất lượng quốc gia. Hơn nữa trường được nhiều người ưu ái gọi là “đại học trung thực” và được đánh giá là một trường đại học đáng để học.
Đầu năm 1998, khóa học I bước vào kỳ thi đầu tiên, lãnh đạo nhà trường thấy có nhiều hiện tượng tiêu cực trong thi cử của sinh viên và giảng viên. Sau kỳ thi, một cuộc họp toàn thể cán bộ giảng viên của trường được tổ chức bàn riêng về vấn đề này. Tại cuộc họp đó, quá 50% số người cho rằng nếu đình chỉ thi đối với sinh viên vi phạm quy chế thi thì sợ trường không còn sinh viên theo học nữa.
Ý kiến này không phải là không có lý. Qua thăm dò ý kiến của 1200 sinh viên thì chỉ có 2 em chưa quay cóp lần nào ở các lớp phổ thông. Sau khi nghe các ý kiến của cán bộ giáo viên dự họp, Hiệu trưởng nhà trường đã quyết định “vì chất lượng đào tạo vì nhà trường phải đào tạo cho sinh viên đức tính trung thực, phải tổ chức thi thật nghiêm túc”. Trước mùa thi sau đó, Hiệu trưởng nhà trường đã trực tiếp nói chuyện với sinh viên và giảng viên, kêu gọi hưởng ứng thi nghiêm túc. Đồng thời tuyên bố bất kể sinh viên nào có tài liệu đem vào phòng thi dù chưa sử dụng cũng bị đình chỉ thi và nhận điểm không.
Hơn 2.000 sinh viên của khóa I thì có tới 834 lượt sinh viên đã bị đình chỉ thi. Không ít sinh viên vi phạm quy chế thi đã nói thẳng “đã là dân lập mà còn làm thế này thì ai thèm học”. Thế nhưng quyết tâm xây dựng một môi trường học nghiêm túc vẫn được Hiệu trưởng nhà trường duy trì đến cả những mùa thi sau này. Quyết tâm này góp phần rèn rũa cho những sinh viên đã, đang học tại trường thói quen sống trung thực. Khẩu hiệu “Học thật, thi thật, để ra đời làm thật” trở thành khẩu hiệu mang nét riêng của Đại học Dân lập Hải Phòng.
Không chỉ vậy, để sinh viên ra trường có kĩ năng về tin học và ngoại ngữ tốt, nhà trường còn đưa chứng chỉ tin học văn phòng quốc tế ICDL và tiếng Anh theo chuẩn TOEIC vào giảng dạy và làm điều kiện tốt nghiệp cho sinh viên. Chương trình đào tạo của trường bị nhận xét là “khắt khe” nhưng rất có ý nghĩa trong việc trang bị kiến thức cho sinh viên trước và sau khi ra trường.
Không chỉ rèn luyện những sinh viên trung thực, giỏi kiến thức học trong trường, nhà trường còn luôn nỗ lực để đào tạo những sinh viên có năng lực nhạy bén trong thực tế và có khả năng hội nhập quốc tế. Nhiều năm qua nhà trường duy trì mối quan hệ chặt chẽ với gần 1.000 doanh nghiệp, cơ quan để tổ chức cho sinh viên thực hành - kiến tập - thực tập nhằm gắn kết chặt chẽ quá trình đào tạo với yêu cầu của xã hội. Để sinh viên có kiến thức trong quá trình hội nhập quốc tế nhà trường còn tổ chức liên kết đào tạo, trao đổi chương trình đào tạo với nhiều trường đại học, các tổ chức kinh tế xã hội của các nước Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.... Chính vì thế rất nhiều sinh viên của nhà trường chưa ra trường đã được các doanh nghiệp đã chủ động liên hệ, đề nghị tuyển dụng vào làm việc.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhà trường với sự nghiệp giáo dục, Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhân dịp về thăm và làm việc với trường đã xúc động khen ngợi: “Là một trường sinh sau đẻ muộn nhưng nhờ sự định hướng đúng đắn của ban lãnh đạo nhà trường cùng với khả năng lãnh đạo toàn diện và đầy sáng tạo của đồng chí Hiệu trưởng, trường đã vươn lên, trở thành một điểm sáng trong hệ thống giáo dục ngoài công lập”.
Nhận xét
Đại học Quản lý & Công nghệ Hải Phòng
Nhạc sĩ Huy Thục
Giá trị
Ông Nguyễn Văn Tấn
Phụ huynh sinh viên