Ngoại Ngữ

Hội thảo về mô hình thay đổi tạo sinh trong giảng dạy ngoại ngữ

Chiều ngày 17/02/2023, tại phòng F301 trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo về Mô hình thay đổi tạo sinh trong giảng dạy ngoại ngữ. Diễn giả chính của Hội thảo là Giáo sư, Tiến sĩ Lori Czop Assaf, Học giả Fulbright; Giảng viên trường Đại học Texas, Hoa Kỳ; Giám đốc dự án đào tạo giáo viên bang Texas, Giám đốc Dự án Phát triển kỹ năng Viết trường Đại học Texas; Chuyên gia hàng đầu về Lý thuyết thay đổi tạo sinh.

Giáo sư, Tiến sĩ Lori Czop Assaf, Diễn giả chính của Hội thảo

Bản chất của Mô hình thay đổi tạo sinh (Generative Change Model) là nhận diện các bước cần thiết nhằm thúc đẩy các bên liên quan thay đổi thông qua thảo luận. Ở đó họ có thể tư duy được những ý tưởng mới và sẵn sàng hành động để hiện thực hóa những ý tưởng đó.

Theo Giáo sư Assaf, mục đích của Hội thảo về Mô hình thay đổi tạo sinh trong giảng dạy ngoại ngữ, được tổ chức tại trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng là giúp những đối tượng tham gia có thể:

+ Mô tả sự liên quan và những điểm khác biệt giữa các lý thuyết học tập theo chủ nghĩa kiến tạo trong đó có kiến tạo xã hội, kiến tạo nhận thức, v.v.;

+ Khám phá các khía cạnh chính của mô hình thay đổi tạo sinh và ảnh hưởng của nó với việc học tập;

+ Xem xét và đánh giá những nghiên cứu đã sử dụng mô hình thay đổi tạo sinh;

+ Xác định những lợi ích và hạn chế của việc sử dụng mô hình này

+ Liên hệ các lý thuyết học tập mà họ đã sử dụng với mô hình học tập thay đổi tạo sinh.

Các Thầy/Cô giáo tích cực tham gia thảo luận tại hội thảo

Bên cạnh việc trình bày rõ mục đích của hội thảo, Giáo sư Assaf cũng trình bày vắn tắt các lý thuyết học tập phổ biến như Thuyết kiến tạo xã hội (Social Constructivism), Thuyết kiến tạo nhận thức (Cognitive Constructivism) đồng thời cung cấp thông tin cơ bản về Thuyết tạo sinh và Mô hình thay đổi tạo sinh, từ đó giúp các thành viên tham dự hội thảo có cái nhìn tổng quát hơn về các lý thuyết dạy học và so sánh được những lý thuyết họ đã áp dụng với Lý thuyết thay đổi tạo sinh. Giáo sư cho rằng, việc áp dụng Lý thuyết và Mô hình giảng dạy tạo sinh khuyến khích giảng viên liên kết chặt chẽ với người học, xây dựng, thảo luận, hiểu và kiến tạo những phương thức giảng dạy và học tập mới. Không như những phương pháp dạy học trước đây gồm những phương pháp lấy giáo viên làm trung tâm, áp dụng Lý thuyết và mô hình thay đổi tạo sinh, giảng viên có thể học cùng với người học và học từ người học. Thực tế, người học góp phần không nhỏ trong quá trình giúp giảng viên thay đổi. Điều khác biệt giữa mô hình thay đổi tạo sinh và một số mô hình kiến tạo khác là mô hình thay đổi tạo sinh mang lại sự chuyển biến mang tính lâu dài về nhận thức, niềm tin và phương thức giảng dạy của giảng viên, nó không đơn thuần là một sự thích ứng ngắn hạn mà là sự chuyển biến của chính giảng viên.

Dưới đây là quy trình thay đổi tạo sinh:

Đây là một chu trình khép kín trong đó nhấn mạnh bốn bước chính gồm: Đánh giá và xem xét lại quá trình giảng dạy (Reflection); Nhận diện vấn đề gặp phải (Identity); Giải quyết vấn đề (Problem-Solving); Phản hồi (Responsive). Tất cả các bước đều cần sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên.

Theo giáo sư Assaf, việc áp dụng mô hình thay đổi tao sinh mang lại nhiều lợi ích trong đó lợi ích lớn nhất là mô hình này thúc đẩy giáo viên thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Giáo sư cũng hy vọng, việc nghiên cứu và áp dụng mô hình này tại trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng sẽ góp phần thay đổi nhận thức của giảng viên, giúp họ có động lực hơn trong việc áp dụng các phương pháp sư phạm mới, tăng tính tương tác với sinh viên từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.

(Khoa Ngoại ngữ)