Du Lịch

Sinh viên ngành Văn hóa du lịch đi thực tế tại Cao Phong - Hòa Bình

Trong hai ngày 10 và 11/5/2013 vừa qua, sinh viên Khoa Văn hóa du lịch khóa 16 (hệ Đại học) và khóa 6 (hệ Liên thông) đã được đi thực tế tìm hiểu về một trong bốn tộc người Mường ở Hòa Bình. Đây là hoạt động thực tế của môn Dân tộc học được tổ chức cho sinh viên năm thứ nhất của Khoa Văn hóa du lịch, nhằm nâng cao thêm kiến thức thực tế về những kiến thức phục vụ lĩnh vực du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành.

Đúng 5 giờ sáng ngày 10/5, đoàn xuất phát tại Khách sạn sinh viên. Đến 10 giờ đoàn sinh viên đã có mặt tại xã Giang Mỗ, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình trong không khí háo hức, vui tươi, sẵn sàng cho những trải nghiệm đầy lý thú và hấp dẫn phục vụ cho công việc học tập.

Khung cảnh bình yên của xóm Mỗ - nơi đoàn SV đến thực tế.

Trải nghiệm đầu tiên của các bạn sinh viên là được tham quan, tìm hiểu về Bảo tàng Không gian văn hóa Mường dưới sự giới thiệu rất chi tiết của thuyết minh viên. Theo chân người thuyết minh, các bạn đã thu thập được rất nhiều kiến thức mới và thật sự choáng ngợp trước rất nhiều hiện vật nguyên gốc được trưng bày trong một không gian thoáng rộng, mang đậm bản sắc văn hóa Mường do một người họa sĩ - một người con xứ Mường tái hiện. Phải nói rằng đây là một sự thay đổi rất mới trong lịch trình của chuyến thực tế và nó hoàn toàn phù hợp với tình hình học tập của sinh viên hiện nay, cũng như thể hiện sáng tạo trong công tác giảng dạy mà PGS. TS Bùi Xuân Đính (GV phụ trách chuyên môn) đã đề xuất trong 2 năm gần đây.

Các bạn SV dùng các thiết bị để ghi lại thông tin thuyết minh viên giới thiệu về Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.

Sau khi tham quan tìm hiểu trong bảo tàng, các bạn được đưa về tìm hiểu, trải nghiệm cùng ăn, cùng ở với đồng bào Mường tại xóm Mỗ. Ngay chiều hôm đó các bạn được chia ra thành từng nhóm về các gia đình tìm hiểu những vấn đề liên quan đến đồng bào Mường. Trong không khí tiếp đón nồng hậu và nhiệt tình của các gia đình, các bạn sinh viên được ở trong những căn nhà sàn còn nguyên giá trị văn hóa. Đây là một cơ hội hiếm có trong không gian và thời gian tìm hiểu ít ỏi. Buổi tối cùng ngày các bạn đã được thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ với những tiết mục đặc sắc của đội văn nghệ xóm và của chính các bạn sinh viên.

Tiết mục múa của người Mường ở xóm Mỗ trong buổi tối giao lưu

Ngay buổi sáng ngày hôm sau, các bạn sinh viên đã có một buổi học tập trung tại Nhà văn hóa của xóm. Các vấn đề liên quan đến văn hóa Mường đã được thầy và trò đưa ra trao đổi, thắc mắc và được các cụ cao niên trả lời, giải đáp một cách tận tình, cặn kẽ. Trong không khí thân tình và cởi mở của các bạn sinh viên ham tìm hiểu, cộng với sự nhiệt tình giảng giải của các cụ, các bạn đã tiếp thu bài nhanh chóng và hân hoan trong sự đón chờ của nhiều kiến thức thực tế đã có. Ngay buổi trưa hôm đó, xóm Mỗ đã tổ chức buổi liên hoan chia tay các sinh viên với bữa cơm thân mật mang đầy đủ sắc thái văn hóa Mường. Từ cách nấu cơm, món ăn đặc trưng cho đến cách bày biện tiếp đãi khách thể hiện đúng nhất với không gian nhà sàn.

Các bạn SV chăm chú học bài dưới sự hướng dẫn của PGS,TS. Bùi Xuân Đính

Kết thúc chuyến thực tế, chúng tôi tạm biệt dân làng ra về, trong lòng đầy phấn khởi và dâng trào bao cảm xúc về những sắc thái văn hóa Mường. Sau chuyến đi này, mỗi bạn sinh viên sẽ lựa chọn một vấn đề mà mình quan tâm nhất để viết bài thu hoạch, đồng thời đưa ra những cảm nhận của bản thân về tất cả những hoạt động trong chuyến đi, về mảnh đất, con người xứ Mường. Và trong tâm trí của mỗi bạn sinh viên đều như ý thức được rằng: Chính các bạn - thế hệ tương lai không ngoài ai khác biết quý trọng và giữ gìn văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập với văn hóa thế giới hiện nay.

Lê Thanh Tùng