Sáng ngày 10 tháng 6 năm 2021, các giảng viên trong khoa Quản trị các ngành Quản trị doanh nghiệp, Tài chính ngân hàng và Quản trị Marketing đã có buổi tọa đàm chuyên đề với chủ đề “Tác động của đại dịch covid-19 và ứng phó của doanh nghiệp”. Đây là một trong những hoạt động sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao trình độ, đồng thời cũng là một buổi chia sẻ chuyên môn, góp phần đưa lý luận tiến kịp với những thay đổi của yêu cầu thực tiễn.
Các giảng viên trong buổi báo cáo (ảnh 1)
Hơn một năm qua, dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Kinh tế Việt Nam hiện nay có độ “mở” lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên cũng chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh. Doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị nhân sự... Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, hoặc thu hẹp quy mô. Số liệu của tổng cục thống kê 10 tháng đầu năm 2020 cho thấy, có 41,8 nghìn doanh nghiệp số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019; 13,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thay đổi xu hướng quản trị… Đó cũng là vấn đề mà các chuyên đề nghiên cứu của các thầy cô đề cập đến.
Các chuyên đề báo cáo của giảng viên gồm:
1. Giảng viên Vũ Thị Thanh Lan báo cáo chuyên đề “Một số điều chỉnh pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19”. Các điều chỉnh gồm: điều chinh về thể chế kinh tế, chính sách môi trường đầu tư như hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, thủ tục hanh chính, hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá, chính sách tài khóa, bảo hiểm, giấy phép lao động…bên cạnh giải pháp ngắn hạn, chính phủ Việt Nam tiếp tục có chính sách pháp luật cho doanh nghiệp phát triển sau đại dịch.
2. Giảng viên Cao Thị Hồng Hạnh báo cáo chuyên đề “Tác động của đại dịch Covid-19 đến các công ty xây dựng của Việt Nam và các giải pháp”. Có 4 khó khăn mà doanh nghiệp xây dựng gặp phải là: cầu về ngành xây dựng có xu hướng giảm, các doanh nghiệp lớn bị chậm tiến độ do giãn cách xã hội, các doanh nghiệp nhỏ dừng hoạt động, nguy cơ về an toàn sức khỏe và việc làm của người lao động, chuỗi cung ứng trên toàn thế giới bị ảnh hưởng đến cung ứng vật tư cho ngành, đặc biệt sự leo thang của giá thép. 2 nhóm giải pháp mà bài báo cáo đưa ra là: giải pháp từ phía doanh nghiệp và giải pháp từ sự hỗ trợ của Chính phủ.
3. Giảng viên Cao Thị Thu báo cáo chuyên đề “Một số giải pháp đối với các doanh nghiệp du lịch trong thời kỳ đại dịch Covid-19”. Những ảnh hưởng được đề cập gồm: lưu trú, lữ hành, ăn uống đều bị giảm sút. Giải pháp cho vấn đề mà báo cáo đề cập là: trong ngắn hạn là hạn chế khai thác các tua đến nơi hoang giã và nơi tập trung đông người; chọn lọc các nguồn thực phẩm an toàn, xây dựng khung ứng xử của doanh nghiệp với khách quốc tế, hỗ trợ khách hủy tua, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để sẵn sàng cho thời kỳ hậu Covid-19.
4. Giảng viên Nguyễn Thị Hoàng Đan báo cáo chuyên đề “Định hướng nhân sự hậu Covid-19”. Bài báo cáo đưa ra 5 xu hướng thay đổi trong công tác quản trị nhân sự hậu Covid gồm: Tuyển dụng và làm việc từ xa; Tăng cường đào tạo và phát triển; Quản lý và khen thưởng dựa trên hiệu suất; Tối ưu hóa trải nghiệm và sự gắn kết của nhân viên; Hoàn thiện kế hoạch chiến lược nguồn nhân lực. Hy vọng 5 xu hướng trên có thể sẽ giúp doanh nghiệp và các CHROs trong công tác quản trị nhân sự tại doanh nghiệp, phục hồi kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19.
5. Giảng viên Nguyễn Thị Tình báo cáo chuyên đề “Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam”. Báo cáo nêu ra rằng do tình hình kinh doanh thay đổi nên nhu cầu vốn của các ngành nghề thay đổi nên các ngân hàng phải: Giảm lãi suất để tiết chế nguồn vốn, đầu tư mạnh vào trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư vào trái phiếu của chính phủ… làm tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Hơn nữa xu hướng ngân hàng số nên có làm tăng chi phí đầu tư về công nghệ, đào tạo đội ngũ nhân viên để thay đổi phù hợp với tình hình thưc tiễn.
6. Giảng viên Nguyễn Thị Diệp “Tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm ở Việt Nam”. Theo nội dung chuyên đề, lực lượng lao động giảm, số người có việc làm giảm, thay đổi thói quen làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ việc làm của lao động nữ tăng, số lao động thiếu việc làm tăng, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng tăng. Giải pháp mà chuyên đề đề cập: hộ chiếu Vaccin, đào tạo lại nguồn nhân lực, tháo gỡ khó khăn cho DN, thu hút lao động nông nghiệp…
7. Giảng viên Phạm Thị Nga “Mô hình kinh doanh O2O cho các doanh nghiệp nhỏ, cơ hội trong thách thức”. Cơ hội gồm: Kinh doanh trực tuyến, tra cứu thông tin sản phẩm nhanh, sử dụng đòn bẩy từ thương mại điện tử, hỗ trợ về mặt công nghệ ngày càng hoàn thiện. Thách thức: xây dựng cửa hàng với doanh nghiệp chỉ bán hàng online phát sinh chi phí, khó đáp ứng được hạ tầng và các ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý bán hàng O2O và chăm sóc khách hàng, thiếu hụt nhân sự cho sử dụng phần mềm quản trị bán hàng và chăm sóc khách hàng như kiểm soát hàng tồn kho, phân bổ hàng hóa, đồng bộ số liệu sản phẩm và khách hàng.
Trong buổi tọa đàm này, cùng với các chuyên đề của mình, các giảng viên trong khoa Quản trị kinh doanh đã chia sẻ thẳng thắn và trao đổi cởi mở để đưa ra những nhận định, những xu hướng thay đổi trên các lĩnh vực được đề cập trong từng chuyên đề nghiên cứu của mình.
Viết bình luận