Cao học Hệ thống thông tin

Chuẩn đầu ra ngành Hệ thống thông tin hệ Cao học


Học viên tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin hệ Cao học trường Đại học Dân lập Hải Phòng có khả năng:
1. Về kiến thức
Thạc sỹ Hệ thống thông tin (HTTT) cần có phổ kiến thức và kỹ năng của một chuyên viên HTTT cấp cao, đủ năng lực tích hợp chiến lược HTTT trong chiến lược phát triển tổ chức (cơ quan/doanh nghiệp). Học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sỹ HTTT cần có kiến thức và kỹ năng đủ để hiểu và giải quyết các bài toán HTTT thời sự, gắn kết mật thiết với nhu cầu thực tiễn trong nước và ngoài nước. Phổ kiến thức của học viên tốt nghiệp cần bao gồm: Kiến ​​thức cốt lõi về quản lý và công nghệ; Kiến thức tích hợp nền tảng HTTT và kinh doanh; Kiến thức để tiếp cận khái quát hoạt động kinh doanh và thế giới thực. Ba nhóm chủ đề kiến thức và kỹ năng chuyên sâu được định hướng tập trung:
- Cơ sở dữ liệu và nền tảng HTTT: định hướng nghề nghiệp cho những chuyên gia về CSDL và quản trị HTTT, thi hành sâu sắc các khía cạnh công nghệ của HTTT.
- Công nghệ tri thức và khai phá dữ liệu: định hướng nghề nghiệp cho những chuyên gia về công nghệ hướng dữ liệu, công nghệ tri thức; tập trung vào khâu chuyển đổi từ dữ liệu sang tri thức theo sơ đồ quá trình dịch vụ tại các doanh nghiệp và tổ chức khác.
- An ninh và an toàn hệ thống thông tin: định hướng nghề nghiệp cho những chuyên gia về An toàn và An ninh HTTT là nguồn nhân lực rất cần thiết cả ở phạm vi tổ chức lẫn phạm vi quốc gia.
 2. Về kỹ năng
Ngoài việc được tăng cường các kỹ năng thiết kế, kiến trúc, tích hợp HTTT; kỹ năng lãnh đạo nhóm dự án HTTT…, học viên tốt nghiệp HTTT cần có các kỹ năng chuyên sâu trong ngành HTTT và những kỹ năng mềm nhằm thích ứng tốt với môi trường làm việc năng động, toàn cầu.
a) Kỹ năng cứng
Học viên tốt nghiệp HTTT cần đáp ứng các tiêu chí kỹ năng kỹ thuật sau:
+  Kỹ năng kiến trúc, thiết kế và phát triển HTTT: phân tích, thiết kế HTTT và công trình sư CNTT; thi hành, phát triển hệ thống, dịch vụ; ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến.
+  Kỹ năng quản trị HTTT: điều phối dự án; quản lý rủi ro; tích hợp dự án và quản lý thời gian; quản lý chất lượng.
+  Kỹ năng tích hợp kinh doanh và công nghệ trong ngữ cảnh chuyên biệt: liên kết những giá trị CNTT và kinh doanh; phân tích chi phí và lợi nhuận; phân tích ảnh hưởng giải pháp CNTT kinh doanh.
+  Kỹ năng nghiên cứu và phát hiện tri thức trong môi trường thực tế: phát biểu bài toán thực tế; thu thập, khái quát tri thức liên quan đến thực trạng bài toán; tạo dựng, phát triển giải pháp; thực nghiệm và đánh giá.
+  Kỹ năng học để học: tìm kiếm giải pháp; phương pháp luận phục vụ học.
+  Kỹ năng làm việc cộng tác: cải thiện hiệu quả công việc cộng tác (các kỹ năng lãnh đạo, truyền thông, tập trung và giải quyết mâu thuẫn); nhận thức môi trường công việc toàn cầu hoá và phát huy bản sắc dân tộc.
+  Kỹ năng tạo dựng đặc trưng cá nhân: tư duy biện luận một cách hệ thống; khả năng làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, đam mê nghề nghiệp; phát triển suy nghĩ sáng tạo, phê phán; tạo dựng khả năng ham học hỏi; khả năng làm việc trong những môi trường khác nhau trong và ngoài nước; khả năng làm việc độc lập, tự quản lý bản thân.
b) Kỹ năng mềm
+  Cá nhân: Luôn sẵn sàng làm việc với các khó khăn trong khoa học; có tư duy sáng tạo và phản biện; chủ động đề xuất các sáng kiến cải tiến; làm chủ kỹ năng giao tiếp trong khoa học (nghe, viết, trình bày, ...).
+  Làm việc theo nhóm: Hình thành nhóm làm việc hiệu quả, vận hành nhóm, phát triển nhóm, lãnh đạo nhóm, kỹ năng làm việc trong các nhóm đa lĩnh vực, bao gồm nhóm CNTT và kinh doanh.
+  Sử dụng ngoại ngữ: Có kỹ năng nghe/nói/đọc/viết tiếng Anh tương đương chuẩn B1 của Khung tham chiếu Châu Âu.
+  Quản lý và lãnh đạo: Biết quản lý thời gian, nguồn lực, dự án và lãnh đạo nhóm.
 3. Về năng lực
a) Vị trí công việc có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, Thạc sĩ Hệ thống thông tin có đủ kiến thức và kỹ năng để đảm đương các vị trí quan trọng trong các cơ quan doanh nghiệp với các nhiệm vụ sau:
-  Chuyên gia quản trị và bảo mật cơ sở dữ liệu của hệ thống, quản trị viên hệ thống thông tin, tích hợp hệ thống, phân tích mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.
-  Chuyên gia tư vấn, xây dựng và nâng cấp các hệ thống thông tin.
-  Chuyên gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ CNTT trong các cơ quan, tư vấn, lãnh đạo hoạch định các chính sách và chiến lược phát triển hệ thống thông tin cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
-  Chuyên gia phân tích kinh doanh và trợ giúp đưa ra các quyết định.
-  Cán bộ quản lý dự án trong các hướng ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội:
giáo dục điện tử, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, thanh toán điện tử, các hệ thống thông tin địa lý 
-  Giảng viên giảng dạy một số học phần thuộc lĩnh vực hệ thống thông tin, máy tính và công nghệ thông tin cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông và đào tạo hướng dẫn các nhân viên ở các bộ phận khác khai thác sử dụng thông tin và hệ thống hiện có một cách có hiệu quả.
-  Có thể tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo Tiến sỹ về chuyên ngành HTTT cũng như các chuyên ngành khác của MT&CNTT theo các hướng: cơ sở dữ liệu, công nghệ tri thức và khai phá dữ liệu, an toàn và an ninh dữ liệu,...
-  Đảm bảo tính sáng tạo trong việc lãnh đạo đơn vị, nhóm thực hiện hoạt động tăng cường tài nguyên tri thức và tài nguyên quy trình của tổ chức (doanh nghiệp, cơ quan) dựa trên CNTT.
b) Yêu cầu kết quả thực hiện công việc
      Đáp ứng được các yêu cầu của thực tế tại các cơ quan, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực CNTT.
4. Về phẩm chất đạo đức
a)   Phẩm chất đạo đức cá nhân: Trung thực, công bằng, có trách nhiệm (bản thân, gia đình, tổ chức, bạn bè, xã hội), trung thành với tổ quốc và tổ chức, tôn trọng sự học (tình thầy-trò, tình bạn đồng môn, tinh thần học tập suốt đời), dám đương đầu với khó khăn thử thách.
b)   Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp: có tính kỷ luật chuyên nghiệp, có khả năng hoàn thành công việc dưới áp lực, có ý thức tôn trọng và làm giàu thêm văn hóa và tài sản quy trình của tổ chức.
c)   Phẩm chất đạo đức xã hội: chân thành, độ lượng, có lòng trắc ẩn, yêu cái tốt - ghét cái xấu, tôn trọng luật pháp và tính đa dạng xã hội.

Khoa Công nghệ thông tin


Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên