Nếu sau này tốt nghiệp ra trường, ai đó hỏi bạn câu này: “Bạn thích đi học hay đi làm?” thì bạn sẽ trả lời thế nào? Đối với tôi, một cô sinh viên năm cuối đã từng có thời gian trải nghiệm với công việc làm thêm trước khi bước vào cánh cổng trường đại học, thì tôi sẽ mong muốn được đi học. Tôi chọn học những thứ mình cần cho công việc mơ ước sau này và giờ đây tôi đang cảm thấy sự lựa chọn này thật đúng đắn. Và để thực hiện được điều đó, tôi đang cố gắng học hỏi và trau dồi thật nhiều khi còn đang là sinh viên khoa ngoại ngữ của trường đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (HPU). Khi học tập tại khoa ngoại ngữ, tôi đã học được nhiều điều bổ ích và quý giá từ các thầy cô và bạn bè của mình.
1. Tinh thần tự học
Như bạn cũng biết, khi học ở đại học sẽ khác với khi học tại trường phổ thông. Sinh viên như tôi cũng sẽ đến trường học những môn đại cương hay chuyên ngành và nghe các thầy cô giảng viên giảng bài. Nhưng có điều khác là, giảng viên sẽ là những người cố vấn bộ môn hoặc là người giải thích những vấn đề mà tôi chưa hiểu. Còn lại phần lớn thời gian tôi sẽ tự đọc và nghiên cứu giáo trình. Ngoài ra, còn có thể thảo luận với bạn cùng lớp để cùng nhau hiểu rõ hơn về kiến thức được học. Cuối kì, các thầy cô giảng viên sẽ cùng sinh viên tổng hợp lại những kiến thức đã học và giải đáp các thắc mắc khác. Nhờ kỹ năng tự học này mà tôi có được sự chủ động và tính kỷ luật trong việc học bất cứ môn nào hay một ngoại ngữ mới. Hơn nữa, trong thời đại ngày nay cùng với sự phát triển rất nhanh của Internet và AI, các ứng dụng hay trang web học trực tuyến được tạo ra rất nhiều để làm công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học ngoại ngữ. Điều này khiến cho việc tự học ngoại ngữ của tôi trở nên thú vị và dễ dàng hơn.
2. Biết thêm cách tư duy mới thông qua việc học ngoại ngữ thứ hai
Tôi là sinh viên Ngôn ngữ Anh tại HPU và theo chương trình học, tôi được học thêm một ngoại ngữ thứ hai là tiếng Trung. Hai ngôn ngữ này khác nhau về nhiều mặt, vì vậy ban đầu nó cũng khiến cho không chỉ tôi mà rất nhiều sinh viên ngoại ngữ khác gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng lối tư duy linh hoạt và uyển chuyển của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đã giúp tôi tiếp nhận và chấp nhận sự khác biệt của một ngoại ngữ mới. Nếu học tiếng Anh, tôi học được sự cởi mở trong suy nghĩ của người bản địa thì khi học tiếng Trung, tôi học được tính kỷ luật và khuôn phép trong cách chuẩn chỉnh từng nét chữ Hán và hiểu được ý nghĩa đằng sau của chúng.
Tôi của hiện tại – chỉ một từ “Hạnh phúc”
3. Tự quản lý thời gian
Cuộc sống sinh viên của tôi cũng như rất nhiều bạn khác đều không chỉ xoay quanh việc học. Ngoài thời gian đi học, tôi sắp xếp chút thời gian rảnh để đi làm thêm và tham gia một vài hoạt động ngoại khóa của trường và của khoa. Công việc tôi đã từng làm và đang làm là trợ giảng tại trung tâm ngoại ngữ và gia sư tiếng Anh. Mặc dù khi đi làm, đặc biệt là dạy học, ngoài khung giờ dạy chính, tôi phải dành thêm thời gian chuẩn bị học liệu và nội dung dạy trước buổi học, nhưng thực ra những công việc này lại liên quan trực tiếp đến chuyên ngành hiện tại và đến công việc tương lai mà tôi muốn. Bởi vậy, đối với tôi, việc quản lý và cân bằng quỹ thời gian giữa việc học và làm cũng như tham gia hoạt động xã hội cũng không gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, chính công việc đó đã giúp tôi vừa tạo được nguồn thu nhập nho nhỏ vừa có cơ hội học hỏi, tích lũy thêm kiến thức cho bản thân.
4. Tư duy phản biện
Ngày nay, tư duy phản biện là một kỹ năng cần có đối với sinh viên đại học. Nó giúp sinh viên không bị bó hẹp trong những khuôn mẫu, quan điểm của một thế hệ hay định kiến của một cá nhân nào đó. Đặc biệt, đối với sinh viên ngoại ngữ thì cơ hội thực hành kỹ năng này trong giờ học trên lớp không hề hiếm. Trong suốt thời gian học tập tại trường, tôi đã được các thầy cô hướng dẫn và giải thích cách áp dụng lối tư duy này vào các bài tập gắn với tình huống thực tế. Ví dụ trong việc thực hành kỹ năng Speaking (Nói), lớp tôi được nghe về một quan điểm của một người, rồi nhìn nhận điều đó qua nhiều khía cạnh khác nhau và cùng tranh luận với nhau. Có những chủ đề rất gần gũi với sinh viên nên được đón nhận và bàn luận rất sôi nổi.
Tôi của hiện tại – thêm một từ “chia sẻ”
5. Kỹ năng làm việc nhóm
Có thể nói, kỹ năng làm việc nhóm đang là một trong những kỹ năng quan trọng đối với sinh viên, vì sau này khi đi làm tại các công ty, bạn cũng sẽ tiếp xúc và trao đổi công việc với những đồng nghiệp khác để hoàn thành một dự án nào đó. Bởi vậy, việc rèn luyện kỹ năng này ngay từ khi còn ngồi trong giảng đường đại học là điều rất cần thiết. Khi học tập tại trường tôi, các thầy cô giảng viên cũng rất tích cực đưa các bài tập nhóm để sinh viên có cơ hội thực hành teamwork. Đối với riêng sinh viên khoa ngoại ngữ, chúng tôi đã được luyện tập kỹ năng này từ những năm đại học đầu tiên, từ những bài thảo luận theo nhóm nhỏ (2-4 người) cho đến những bài thuyết trình với nội dung dài theo nhóm lớn. Dĩ nhiên, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi không tìm được cách phối hợp hiệu quả vì mỗi thành viên đều có quan điểm riêng và chưa quen với kiểu làm việc nhóm. Nhưng sau cùng, ai cũng cố gắng trong vai trò của mình trong nhóm để hướng tới một kết quả tốt cho team của mình.
Tôi của hiện tại – một từ nữa “tự tin”
Đó là những gì mà tôi học được khi đang là sinh viên ngoại ngữ tại HPU. Bạn có thấy, đời sinh viên của chúng ta cần những gì: đó là “hạnh phúc”, sự “chia sẻ” với mọi người và “tự tin”. Những phẩm chất này tôi đã được rèn rũa và vun đắp chính từ khoa Ngôn ngữ Anh trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng.
Chắc hẳn mỗi sinh viên của khoa cũng sẽ tìm cho mình được những điều quý giá tại đây cho hành trình mới sau khi tốt nghiệp. Và chặng đường mới đó có thể sẽ là cơ hội hoặc sẽ là thử thách. Nhưng dù khó thế nào thì tôi tin những gì mà tôi học được sẽ phần nào giúp tôi tự vượt qua nó. Hi vọng các bạn cũng sẽ tận hưởng quãng đời sinh viên đầy nhiệt huyết và tích lũy thêm những bài học bổ ích cho mình. Hãy đến với chúng tôi khoa Ngoại ngữ trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng để có một quãng đời sinh viên thật đẹp, thật ý nghĩa.
(SV. Hoàng An – Lớp NA2501A)