Sáng ngày 15/02/2023, tại phòng F301 trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo về giảng dạy ngoại ngữ theo hướng tích hợp. Diễn giả chính của Hội thảo là Giáo sư, Tiến sĩ Lori Czop Assaf, Học giả Fulbright; Giảng viên trường Đại học Texas, Hoa Kỳ; Giám đốc dự án đào tạo giáo viên bang Texas, Giám đốc Dự án Phát triển kỹ năng Viết trường Đại học Texas; Chuyên gia hàng đầu về Mô hình thay đổi tạo sinh.
Giáo sư, Tiến sĩ Lori Czop Assaf, Diễn giả chính của Hội thảo
Tham dự hội thảo bên cạnh toàn bộ giảng viên và sinh viên Khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng còn có sự tham dự của giảng viên đến từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố.
Thầy cô và sinh viên khoa Ngoại ngữ, Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng tham dự hội thảo
Hội thảo tập trung tìm hiểu cách thức, lý do, các hoạt động mà giáo viên có thể sử dụng khi dạy tích hợp hai kỹ năng Đọc và Viết tiếng Anh. Giáo sư Assaf cho rằng dạy học tích hợp có những ưu điểm vượt trội so với một số phương pháp khác. Việc tích hợp hai kỹ năng Đọc và Viết được thực hiện hiệu quả một phần là do hai quá trình đọc và viết có nhiều điểm tương đồng. Trước khi người học đọc hoặc viết, họ đều cần thực hiện những hoạt động chuẩn bị. Quá trình này giúp tạo ý và tìm thông tin. Cả người đọc và người viết đều kiến tạo nên ý nghĩa và nội dung thông điệp muốn truyền tải. Trong khi người đọc có được thông tin qua ngôn ngữ, kiến thức nền và cấu trúc văn bản, người viết thu thập thông tin từ đối tượng tiếp nhận văn bản, kiến thức nền, và nội dung cần được truyền đạt. Cả người đọc và người viết sau đó đều sẽ xem xét và đánh giá ý nghĩa mà họ kiến tạo và điều chỉnh chúng. Trong suốt quá trình này, họ luôn đặt ra các câu hỏi và từ đó tham gia vào quá trình kiến tạo ý nghĩa thông qua ngôn ngữ.
Thạc sĩ Đỗ Thị Kiểm, Quyền Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Đại học Hải Phòng, phát biểu tại Hội thảo
Việc giảng dạy tích hợp Đọc và Viết là cần thiết vì trong quá trình viết và hướng dẫn viết, khả năng đọc của sinh viên được nâng cao và ngược lại. Việc dạy học tích hợp hai kỹ năng Đọc và Viết được phát triển dựa trên một số lý thuyết như Lý thuyết về Quan hệ tu từ (Rhetorical Relations Theory), Lý thuyết chức năng (Functional Theory), Lý thuyết về chia sẻ kiến thức (Shared Knowledge Theory). Mặc dù có những nội dung khác nhau, các lý thuyết này đều củng cố quan điểm rằng đọc và viết là hai quá trình không thể tách rời và hỗ trợ lẫn nhau.
Bên cạnh việc cung cấp những kiến thức lý thuyết cần thiết, Giáo sư Assaf cũng chia sẻ một số hoạt động và phương thức thực hiện bài giảng tích hợp hai kỹ năng Đọc và Viết, cụ thể như:
+ Yêu cầu sinh viên đọc một bài báo hoặc tham gia thảo luận trực tuyến: Trong hoạt động này, sinh viên có thể tự do theo đuổi ý tưởng của mình theo bất kỳ cách nào mà họ cảm thấy là hiệu quả. Hoạt động đọc tạp chí hoặc thảo luận trực tuyến đặc biệt hiệu quả trong việc khuyến khích sinh viên sử dụng quy trình viết để hiểu sâu hơn về các tài liệu của khóa học.
+ Yêu cầu sinh viên viết một bài viết phản hồi ngắn: Hoạt động này không chỉ khuyến khích sinh viên viết theo cách của họ, giúp họ hiểu biết đầy đủ hơn về các đặc điểm của văn bản, đồng thời hình thành tư liệu cho các cuộc thảo luận trên lớp.
+ Yêu cầu sinh viên làm bài viết khám phá: Đây là hình thức viết các bài tập tự do, sinh viên cho phép mình "suy nghĩ thành tiếng" (think aloud) về một chủ đề cụ thể. Viết khám phá đặc biệt hữu ích nếu sinh viên gặp phải những chủ đề không quen thuộc.
+ Giao bài tập viết tự do tại lớp: Trong hoạt động này, giáo viên giao cho sinh viên một chủ đề (hoặc để họ tự nghĩ) sau đó sử dụng những gì sinh viên đã viết để thảo luận trên lớp.
+ Khuyến khích sinh viên tạo bài tập viết và nghiên cứu: Trong hoạt động này, giáo viên cung cấp cho sinh viên một đoạn văn lấy từ một văn bản nhất định. Văn bản này chứa đựng một số ẩn ý mà giáo viên mong muốn sinh viên của mình tìm hiểu và khám phá. Sau đó giáo viên yêu cầu sinh viên đến thư viện hoặc đọc tài liệu để nghiên cứu về vấn đề họ phát hiện ra và viết ra những gì họ chiêm nghiệm.
+ Tăng tính tò mò của sinh viên về một văn bản mẫu: Chọn một văn bản mà bạn tin rằng có thể dạy sinh viên về cấu trúc và ngôn ngữ trong văn bản. Cả lớp được yêu cầu đọc văn bản, tập suy nghĩ giống như một tác giả, và viết một văn bản tương tự.
Các thầy cô giáo tích cực tham gia thảo luận tại Hội thảo
Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Liên, Trưởng khoa Ngoại ngữ khẳng định Hội thảo mang lại những kiến thức hết sức bổ ích cho giảng viên và sinh viên Khoa Ngoại ngữ. Mặc dù đây là vấn đề không mới, nhưng cách thức mà Giáo sư tiếp cận thực sự đã làm mới lại vấn đề, tạo động lực cho giảng viên trong Khoa nghiên cứu sâu hơn về cách thức giảng dạy tích hợp đồng thời, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ Nhà trường. Tiến sĩ Trần Đức Nga, Trưởng phòng Tuyển sinh và Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành đến Giáo sư Assaf, bày tỏ mong muốn Giáo sư sẽ tiếp tục kết nối và mang lại cơ hội cho giảng viên và sinh viên nhà trường được học hỏi, trao đổi và thảo luận về chủ đề Dạy học tích hợp trong thời gian tới.
(Khoa Ngoại Ngữ)