DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC LẦN THỨ 6
CAMPUS-IN-CAMPUS: MÔ HÌNH ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG QUỐC TẾ HÓA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Vào ngày 16 tháng 3 năm 2023, đoàn trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng gồm GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị - Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Trần Thị Ngọc Liên, Phó Hiệu trưởng, Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Hành chính Tổng hợp đã tham dự Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục lần thứ 6 tổ chức tại trường Đại học Ngoại thương Hà nội với tiêu đề: “Campus-in-campus: Mô hình đổi mới sáng tạo trong quốc tế hóa cơ sở giáo dục đại học”
GS. TS. NGƯT Trần Hữu Nghị tham dự Diễn đàn
Tham dự diễn đàn có các đại biểu đến từ hơn 50 trường đại học Việt nam và gần 30 trường đại học và tổ chức giáo dục quốc tế, nổi bật là các trường Đại học Macquarie, Đại học Newscastle, Đại học Queensland, Đại học Federation đến từ Úc, Trường đại học kỹ thuật điện tử Quế lâm, Đại học Nankai đến từ Trung quốc, Đại học Tohoku, Đại học Ritsumeikan đến từ Nhật bản, Đại học Herfordshire, Đại học Northampton, Đại học Leeds Beckett đến từ Vương quốc Anh, v.v. Ngoài ra, diễn đàn còn được đón tiếp các đại biểu đến từ Đại sứ quán nhiều quốc gia đóng tại Hà nội, đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo và các Ban ngành từ trung ương đến địa phương.
Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là tập trung thảo luận những kết quả đã đạt được của Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục trong 05 năm qua, những đóng góp của diễn đàn đối với việc thúc đầy quá trình quốc tế hóa tại các cơ sở giáo dục Việt nam, đánh giá khả năng kết nối mạng lưới các trường đại học trong nước và quốc tế của diễn đàn, ảnh hưởng của diễn đàn đến việc thực hiện chủ trương quốc tế hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại học trong nước, những đóng góp của hoạt động này vào hiện thực hóa chủ trương nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực của Đảng và Nhà nước.
Tham luận chính tại Diễn đàn Ông Rongyu Ri, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Queensland, Úc, trình bày về việc Phát triển bền vững quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học. Ông cho rằng quốc tế hóa giáo dục là quá trình phát triển tất yếu, nó mang lại những giá trị tốt đẹp cho tất cả các bên liên quan, người được hưởng lợi không chỉ là sinh viên mà còn là các nhà trường, và rộng hơn là hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học phải là một quá trình phát triển bền vững, như vậy mới phát huy hết được tiềm năng của lĩnh vực này.
Ông Rongyu Ri, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Queensland, Úc, tham luận tại Diễn đàn
Cùng quan điểm này, Ông Adrian Veale, Trưởng ban Giáo dục, Thanh thiếu niên, Thể thao và Văn hóa của Liên minh Châu Âu chia sẻ: các trường đại học tại Châu Âu khi thảo luận về tương lai phát triển của mình đều thấy rõ tầm quan trọng của quốc tế hóa giáo dục đại học. Họ cho rằng đây không chỉ là một nhiệm vụ cần thực hiện mà còn là cơ hội giúp các trường phát huy được nội lực và vận dụng hiệu quả nguồn ngoại lực. Chủ trương này sẽ giúp các trường cùng nhau phát triển bằng cách cùng nhau kiến tạo và chia sẻ nguồn tài nguyên.
Ngoài ra, Diễn đàn còn thu hút được nhiều bài tham luận đến từ các nhà khoa học, nhà giáo dục của các trường trong nước và quốc tế. Các chủ đề đều tập trung xuyên suốt và các yếu tố ảnh hưởng đến hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học, những yếu tố vĩ mô, phương thức thực hiện, những cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, tất cả các thành viên tham gia diễn đạt đều có chung quan điểm về tầm quan trọng của quá trình này và hy vọng việc hội nhập quốc tế về giáo dục ở cấp độ cao: cấp độ đại học và sau đại học sẽ tiếp tục phát triển và mang lại những lợi ích to lớn cho các bên liên quan.
Kết thúc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương Hà nội thay mặt cho đơn vị đăng cai tổ chức Diễn đàn cảm ơn sự hưởng ứng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia Diễn đàn, chúc cho diễn đàn luôn duy trì hoạt động hiệu quả và phát huy được sức mạnh có tính chất hệ thống của mình trong thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục ở bậc học đại học.
(Khoa Ngoại ngữ)