Theo thông tư số 29/2021/TT-BTTTT do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành ngày 31/12/2021. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, nội dung chính của thông tư này là chính thức quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam...
1. Băng tần 2300-2400 MHz được phân chia như sau:
a) Đoạn băng tần 2300-2390 MHz được phân chia thành 03 khối song công phân chia theo thời gian (sau đây gọi là TDD2) là A1, A2, A3, mỗi khối có độ rộng 30 MHz.
b) Đoạn băng tần 2390-2400 MHz được dành làm băng tần bảo vệ.
c) Mỗi doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 01 khối trong tổng số 03 khối A1, A2, A3.
2. Các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số trong cùng băng tần 2300-2400 MHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để tránh can nhiễu có hại, đồng bộ về khung dữ liệu của phương thức TDD và thực hiện đúng các nội dung của giấy phép sử dụng băng tần.
Trước đó, Bộ đã cấp phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G cho ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VNPT.
Như vậy sau thời gian thử nghiệm, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức tổ chức đấu giá các băng tần này cho các doanh nghiệp khai thác và cung cấp dịch vụ liên quan tới mạng thế hệ thứ 4 và thứ 5 và ta thường gọi là 4G và 5G.
Vậy những doanh nghiệp nào có khả năng tham gia đấu thầu trong đợt này?
Chúng ta có thể dần sáng tỏ câu trả lời nếu điểm qua những thông tin sau đây.
Theo công bố của Cục Tần số, giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm.
Với giá khởi điểm là 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số trên lý thuyết ít nhất là 386 tỷ đồng/năm. Đây là con số không hề nhỏ với tất cả các mạng di động. Điều này đòi hỏi tất cả các nhà mạng phải tính toán kỹ về khả năng kinh doanh và thu hồi vốn đầu tư, chứ không thể sở hữu băng tần quý miễn phí được.
Với 3 khối băng tần được đem ra đấu giá lần này sẽ chỉ có 3 nhà mạng được cấp phép băng tần 2300-2400 MHz để sử dụng cho 4G và 5G. Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, lần đấu giá tần số này không chỉ có các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ di động, mà có thể có thêm nhiều doanh nghiệp khác nếu có đủ điều kiện đều có thể tham gia. Như vậy, rất có thể thị trường di động có thể sẽ xuất hiện thêm người chơi mới tham gia, sử dụng công nghệ 4G và 5G.
Theo phân tích của tác giả Thái Khang đăng trên Vietnamnet.vn thì có những khả năng dưới đây.
Những doanh nghiệp như FPT, Vietnamobile, Gtel thậm chí là Vingroup sẽ rất khó tham gia bởi các mục tiêu chiến lược của họ hiện tại không tập trung vào mảng dịch vụ do 4G và 5G mang lại.
Thực tế hiện nay chỉ có Viettel, VNPT và MobiFone với tiềm lực của mình là có thể sẵn sàng tham gia đấu giá. Khả năng cao là sẽ có ba nhà mạng sẽ triển khai 4G và 5G trong thời gian trước mắt.
Thực tế hiện nay Việt Nam đang có 5 mạng di động có hạ tầng và đang cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Thế nhưng, nhiều người đã nhắc đến kịch bản thị trường di động Việt Nam sau hồi cạnh tranh gay gắt sẽ quay về “thế chân vạc” và có lẽ nó cũng sẽ lên hình hài rõ nét sau cuộc chạy đua đấu giá băng tần.
Viết bình luận